I. Chiêu thức đẩy lệnh mua kéo giá về tham chiếu hoặc xanh trong phiên đóng cửa
Liệu chúng ta mua sàn và lãi ngay trong phiên thì sẽ có lãi khi hàng về? khi lái đẩy lệnh mua kéo giá về tham chiếu hoặc trần trong phiên ATC?
Như đã đề cập từ phần phân phối giá sàn, phân phối giá trần, giai đoạn đội lái áp dụng chiêu thức phân phối giá sàn để bán dần lượng cổ phần giấy giá 0 đồng.
Trong giai đoạn này, nếu đội lái cứ duy trì chuỗi giảm sàn của cổ phần trong suốt thời gian phân phối thì giá của cổ phần đó sẽ giảm rất nhanh và giá trị bán lượng cổ phần giấy giá 0 đồng sẽ bị giảm theo.
Để bán được hàng giấy ở mức giá cao nhằm tối ưu hóa lợi nhuận, đội lái sẽ áp dụng chiêu thức đẩy lệnh mua đủ lớn trong phiên đóng cửa để đưa mức giá đóng cửa về mức tham chiếu hoặc mức giá trần.
Với chiêu đẩy lệnh mua này, đội lái sẽ thu được những lợi ích sau:
1. Lợi ích của việc đẩy lệnh mua kéo giá đóng cửa
- Duy trì được mức giá đóng cửa của cổ phần ở mức giá cao để phiên sau tiếp tục phân phối ở mức giá sàn nhưng giá vẫn cao hơn hoặc bằng mức giá sàn phiên trước đó.
- Giăng bẫy ăn ngay 10% hay 20% trong phiên để dụ nhà đầu tư tham lam, thiếu hiểu biết thấy phiên sau có giá sàn là nhảy vào múc với hy vọng lãi lớn trong phiên. Tôi biết có rất nhiều nhà đầu tư đã từng bị mắc bẫy kiểu này và sẽ vẫn tiếp tục bị mắc bẫy. Tôi cũng đã từng bị lừa không dưới một lần.
- Tạo cảm giác an toàn cho nhà đầu tư khi thấy cổ phần tuy cả phiên giao dịch ở mức sàn với khối lượng lớn nhưng cuối phiên vẫn được đỡ giá. Và nhà đầu tư sẽ nghĩ rằng cổ phần này có ngưỡng hỗ trợ rất cứng ở mức giá sàn, cứ về mức giá đó là lại bật lên; nghĩ rằng cổ phần có lái bảo kê ở mức giá hỗ trợ và sẽ lao vào múc ở những phiên sau đó khi cổ phần đó tiếp tục phân phối giá sàn.
2. Ví dụ kiểm chứng
Tuy nhiên thực tế đã chứng minh là khi chơi những loại cổ phần đang bị làm giá kiểu này, đa số nhà đầu tư đều phải trả giá khi mua vào. Chỉ một lượng nhỏ nhà đầu tư am hiểu, vào ra đúng nhịp là có thể kiếm lãi vài %. Còn lại may mắn thì hòa vốn, còn đa số là bị lỗ và bị kẹp tiền nếu không dứt khoát stop loss.
– Phân tích diễn biến giao dịch của dst trong phiên 08/02/2018 để chúng ta hiểu rõ hơn.
- DST đã khớp 4.8 triệu cổ phần ở mức giá từ tham chiếu đến sàn (giá sàn chủ đạo chiếm 3 triệu). Anh em tham khảo cụ thể lịch sử giao dịch tại đây.
- Tạm tính lái mua tay phải bán tay trái 4.3 triệu và bán ra ngoài được 500k cổ phần. Phiên đóng cửa lái đẩy lệnh mua trần lớn và đã khớp 257k ở mức giá trần. Tuy nhiên lượng khớp này đa số là của lái bán ra, chỉ có tầm vài chục nghìn là ở bên ngoài và tạm tính là 50k.
- Với mức giá tham chiếu phiên này là 3.1 thì lái mất thêm 50.000*0.6 = 30 triệu tiền chênh giá để mua lượng 50k bên ngoài này. Nếu không kéo giá, phiên mai DST sẽ có giá tham chiếu là 2.8 và mức sàn sẽ là 2.6.
- Nhưng do được kéo giá lên mức giá trần 3.4 nên thực tế mức giá sàn phiên mai là 3.1, chênh giá sàn là 3.1-2.6 = 0.5. Phiên mai lái tiếp tục phân phối giá sàn được 500k, trừ 50k mua ở phiên đóng cửa hôm nay thì phiên mai lái sẽ bán ra được 450k. Và mức thu được do chênh giá sàn là 450.000*0.5 = 225 triệu. So sánh 225 triệu với 30 triệu là chúng ta biết ngay tại sao đội lái rất ưa thích việc đỡ giá cuối phiên.
– Thêm một ví dụ cụ thể nữa là FIT trong phiên ngày 30/12/2019. Cả phiên FIT khớp hơn 5 triệu giá sàn 9.09 và đóng cửa đặt lệnh mua 550k giá 10.0. Anh em thử tính toán xem liệu đội lái Fit gà hay chúng ta gà nhé.
– Chúng ta cũng có thể tính toán với mã C69 trong phiên 18/10/2019. Chỉ cần đặt mua 1700 giá ATC là đã có thể đẩy giá đóng cửa từ 15.9 lên 18.0. Để rồi phiên 21/10/2019 lái tiếp tục phân phối giá sàn với mức 16.2. Nếu phiên 18/10 không đỡ giá mà đóng cửa sàn 15.9 thì phiên 21/10 tiếp tục giá sàn sẽ là 14.4. So với mức sàn 16.2 thì đã chênh 1.8k. Chỉ cần phân phối cho nhỏ lẻ tầm 50k trong phiên 21/10 thì lái đã lãi được 90 triệu.
II. Chiêu thức đăng ký mua vào, bán ra khối lượng lớn của ban lãnh đạo để làm giá cổ phần
Trước tiên tôi xin nhấn mạnh là tất cả các cổ phần, không kể lớn bé, không kể cơ bản hay đầu cơ… Khi có sóng tăng thì đều có đội lái đứng sau điều tiết.
Như anh em đã biết, việc ban lãnh đạo hay các cổ đông lớn đăng ký mua vào hay bán ra cổ phần với khối lượng lớn sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến giá cổ phần trong ngắn hạn.
Nếu là đăng ký mua thì thường giá cổ phần sẽ tăng mạnh một vài phiên sau khi công bố đăng ký mua. Và ngược lại là giá cổ phần sẽ giảm trong trường hợp đăng ký bán.
Trên thị trường chứng khoán, đa số việc mua vào hay bán ra của ban lãnh đạo hay cổ đông lớn đều là bình thường và diễn ra bình thường dựa trên nhu cầu mua bán thực sự của người đăng ký.
Tuy nhiên, có rất nhiều doanh nghiệp, ban lãnh đạo, nhà đầu tư lớn dựa vào việc mua bán này để làm giá cổ phần. Trên phương diện phân tích, tôi chỉ đi sâu vào các mua bán có mùi.
1. Nội dung chiêu thức khi lái đẩy lệnh mua kéo giá về tham chiếu
Như tôi đã đề cập và phân tích ở bài Ban lãnh đạo đăng ký mua vào khối lượng lớn ở vùng đỉnh, đa số các lãnh đạo kiểu lái và đội lái đều có rất nhiều tài khoản vệ tinh. Và việc đăng ký mua vào ở vùng đỉnh hay bán ra ở vùng đáy thì tôi đã nói rõ ở bài trên.
Vấn đề là có rất nhiều trường hợp khi cổ phần chỉnh mạnh về mức đáy thì ban lãnh đạo hay cổ đông lớn (gọi chung là ban lãnh đạo) đăng ký mua vào hoặc khi cổ phần tăng mạnh đến mức đỉnh thì ban lãnh đạo đăng ký bán ra.
Vẫn biết là khi đăng ký mua vào khối lượng lớn thì sau khi công bố, giá cổ phần sẽ tăng rất mạnh (nguyên nhân tăng là do cầu thực của một số nhà đầu tư non trẻ và do cầu ảo của lái), và việc mua vào theo thời gian sau đó sẽ bất lợi vì giá cổ phần đã tăng mạnh. Trường hợp đăng ký bán ra cũng tương tự khi giá cổ phần bị giảm mạnh.
Câu hỏi là tại sao bất lợi như vậy mà ban lãnh đạo vẫn làm, liệu ban lãnh đạo có đủ thông minh mà làm vậy không?
Tôi xin thưa là họ hơn ta mấy cái đầu, họ có thông tin nội bộ, họ được hậu thuẫn bởi một số thế lực ngầm, họ được đội lái giúp đỡ nên họ chả ngu đâu.
Thời gian đăng ký mua bán thực chất chỉ là vấn đề hợp thức hóa và để chuyển nhượng phần cổ phần đã được mua gom từ trước ngày đăng ký với mức giá đẹp ở các tài khoản vệ tinh về tài khoản chính của ban lãnh đạo mà thôi.
Đó chính là các giao dịch thỏa thuận. Chính vì vậy mà khi ban lãnh đạo đăng ký mua bán, bao giờ cũng gắn liền với phương thức mua bán bằng khớp lệnh và thỏa thuận chứ không bao giờ có chuyện phương thức mua bán chỉ có khớp lệnh mà không có thỏa thuận.
Với kiểu mua bán này của ban lãnh đạo, mục đích chính chỉ có thể là ban lãnh đạo lướt sóng cổ phần kiếm lời.
Khi ban lãnh đạo lên kế hoạch mua cổ phần, thông thường họ sẽ liên kết với lái để đánh xuống cổ phần đến mức đáy, sau đó họ dùng các tài khoản vệ tinh (cả tài khoản vệ tinh của lái) để mua dần cổ phần ở mức đáy.
Giai đoạn gom hàng này của lái thường chúng ta hay gọi là giai đoạn sideway tích lũy. Sau khi gom đủ lượng, ban lãnh đạo lập tức công bố thông tin đăng ký mua vào. Việc thỏa thuận để chuyển lượng cổ phần gom giá rẻ từ các tài khoản vệ tinh về tài khoản chính của ban lãnh đạo được thực hiện trong khoảng thời gian đã đăng ký.
Tuy nhiên đa số ban lãnh đạo sẽ chỉ chuyển nhượng một phần và sẽ thông báo là không mua đủ lượng cổ phần đã đăng ký với lý do này nọ. Thực tế là một phần cổ phần đã gom ở các tài khoản vệ tinh sẽ được chốt lãi ở các phiên mà giá cổ phần tăng mạnh do tin mua vào.
Việc đăng ký bán cổ phần của ban lãnh đạo cũng có trình tự như việc mua nhưng ngược lại về xu hướng giá.
Tóm lại là chúng ta không thể biết được lượng cổ phần thực tế mà ban lãnh đạo của các doanh nghiệp có mùi đang nắm giữ là bao nhiêu, tất cả chỉ là ảo mà thôi.
Tỷ lệ nắm giữ được công bố trên các kênh thông tin đại chúng chỉ là cái vỏ, và khi mua vào chưa chắc số cổ phần thực tế của họ sẽ tăng cũng như khi bán ra thì chưa chắc số cổ phần của họ đã giảm. Tất cả chỉ là chiêu trò của ban lãnh đạo, của lái nhằm mục đích lừa đảo nhỏ lẻ để mưu lợi.
Ví dụ với ART, tỷ lệ cổ phần nắm giữ được công bố của anh Quyết là rất thấp nhưng anh vẫn là người cầm cái.
2. Ví dụ kiểm chứng
Tôi xin lấy một ví dụ thực tế để chứng minh là nếu anh em nào đã từng theo dõi mã KLF thì đều biết đến thương vụ lướt sóng của đội liên thành.
Liên thành liên tục đăng ký mua vào bán ra KLF với khối lượng lớn để tạo sóng kiếm lời trong khoảng thời gian từ tháng 12/2016 đến đầu năm 2018. Khi đó KLF liên tục có sóng, tăng mạnh từ 2 lên 6 rồi lại giảm về 2.